Logo Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2021

  1. Tin tức / Hoạt động
  2. Xác định mốc tiến độ cụ thể…

Xác định mốc tiến độ cụ thể cho dự án logistics phía Nam

Sunday, 23/10/2022, 09:29
Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam là công trình hạ tầng đường thủy lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam. Trong ảnh: Vận chuyển container từ Đồng bằng sông Cửu Long về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải
Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam là công trình hạ tầng đường thủy lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam. Trong ảnh: Vận chuyển container từ Đồng bằng sông Cửu Long về cụm cảng Cái Mép – Thị Vải

Lệnh tăng tốc

“Sau những chệch choạc ban đầu, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị triển khai Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam đã quay trở lại quỹ đạo”, ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông – Vận tải) đánh giá.

Theo đó, Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được trình lên cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt vào cuối tuần trước. Đây là những điều kiện cần và đủ để Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi cũng như khởi động vòng đàm phán chính thức về Hiệp định vay vốn với Ngân hàng Thế giới (WB) – nhà tài trợ vốn cho Dự án.

Cần phải nói thêm rằng, vào ngày 6/10/2022, Bộ Giao thông – Vận tải đã có những phản ứng gay gắt đối với Ban Quản lý các dự án đường thủy liên quan đến tiến độ Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.

Tại Công văn số 13025/BGTVT-KHĐT, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho rằng, Ban Quản lý các dự án đường thủy đã không đảm bảo tiến độ phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Khung tiêu chuẩn, ý kiến tham gia của các bộ, ngành (đặc biệt là Bộ Tài chính) và có nguy cơ không thể hoàn chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án trình Bộ Giao thông – Vận tải trước ngày 7/10/2022.

Tổng mức đầu tư Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam phân theo nguồn vốn

Vốn vay WB: 2.479,4 tỷ đồng (tương đương 107,273 triệu USD) để chi trả xây lắp, chi phí lập thiết kế kỹ thuật, chi phí tư vấn giám sát thi công trước thuế; chi phí dự phòng.

Vốn đối ứng: 1.408,5 tỷ đồng (tương đương 60,94 triệu USD) để chi trả chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn (trừ chi phí lập thiết kế kỹ thuật và tư vấn giám sát thi công); chi phí khác; thuế VAT; dự phòng; lãi vay trong thời gian xây dựng.

Vốn viện trợ không hoàn lại của Australia: 13,45 tỷ đồng (tương đương 0,582 triệu USD) để lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi; lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, khung chính sách và tài liệu an toàn môi trường xã hội.

“Việc chậm trễ này ảnh hưởng lớn đến tiến độ đàm phán Hiệp định vay vốn với WB. Bộ Giao thông – Vận tải yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy, Phó giám đốc phụ trách Dự án nghiêm túc rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải trong việc chậm trễ triển khai Dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu.

Trước đó, Bộ Giao thông – Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy phải hoàn thiện Báo cáo Đánh giá tác động môi trường theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường; bám sát các cơ quan liên quan để phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường trong tháng 9/2020.

Đại diện chủ đầu tư phải phối hợp với địa phương liên quan, trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm phê duyệt Khung chính sách giải phóng mặt bằng trước ngày 5/10/2022; hoàn chỉnh dự án đầu tư theo quy định, trình Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt Dự án trước ngày 7/10/2022 làm cơ sở để Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt đầu tư Dự án trước ngày 15/10/2022, gửi Bộ Tài chính tài liệu đàm phán Hiệp định vay.

Dự án cấp bách

Sở dĩ Bộ Giao thông – Vận tải phải đưa ra những mốc tiến độ rất cụ thể và chi tiết cho đơn vị điều hành Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam là bởi, đây là công trình quan trọng trong lĩnh vực đường thủy nội địa và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tình hình chuẩn bị đầu tư Dự án đến nay rất chậm, không đáp ứng yêu cầu tiến độ phê duyệt đầu tư Dự án, nhiều thủ tục phê duyệt Dự án chưa hoàn thành.

Tại Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 6/8/2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ấn định thời gian thực hiện là 5 năm kể từ thời điểm được cấp có thẩm quyền bố trí vốn (từ năm 2023 đến hết năm 2027). Quãng thời gian này chưa bao gồm quá trình đàm phán vay vốn với WB và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để Hiệp định vay có hiệu lực, thông thường mất ít nhất 1 năm.

Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam là công trình hạ tầng đường thủy lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam.

Dự án bao gồm việc cải tạo 2 hành lang đường thủy phía Nam, gồm hành lang Đông – Tây sẽ cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600 tấn, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24 giờ, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông; hành lang Bắc – Nam sẽ cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.

Điểm nhấn tại Dự án chính là việc Chính phủ quyết định đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến luồng kết nối TP. Cần Thơ với TP.HCM qua sông Măng Thít đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa và đầu tư cải tạo tuyến sông Tắc Cua kết nối TP.HCM với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, góp phần rút ngắn quãng đường và thời gian vận chuyển so với tuyến hiện hữu, qua đó giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền lưu thông, tăng năng lực cạnh tranh giữa đường thủy so với đường bộ.

“Do quy mô đầu tư khá lớn, lại triển khai trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố với các phương thức vận tải khác nhau, nên cần sớm hoàn thành công tác chuẩn bị để có thêm thời gian cho các địa phương bắt tay triển khai giải phóng mặt bằng cho Dự án”, lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải đánh giá.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

CLB SAO VÀNG ĐẤT VIỆT PHỐI HỢP VỚI HỘI DOANH NHÂN TRẺ THÁI BÌNH TỔ CHỨC THÀNH CÔNG CHƯƠNG TRÌNH CÀ PHÊ DOANH NHÂN SỐ ĐẶC BIỆT, CHỦ ĐỀ: “XU HƯỚNG ĐẦU TƯ – KẾT NỐI NGUỒN LỰC”

Tại Chương trình, các đại biểu đã nghe hai diễn giả: Anh Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Câu lạc bộ Sao Vàng đất Việt, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) và Anh Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Sao Vàng đất Việt, Phó Chủ tịch Tập đoàn Cen Group bàn luận, phân tích tình hình kinh tế tài chính doanh nghiệp, những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong sản xuất, lưu thông hàng hóa và tắc nghẽn dòng vốn; một số giải pháp, kinh nghiệm ứng phó với cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế do tác động của dịch Covid-19 và xung đột quân sự trên thế giới.