Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan, nhằm đưa ra chủ trương, giải pháp để phát triển dự án trong lĩnh vực này.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tới hết tháng 8/2022, cơ quan chức năng đã nhận được 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, với tổng công suất đề xuất trên 100.000 MW. Trong số này, có 6 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài, 13 đề xuất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và 36 đề xuất của nhà đầu tư trong nước.
Ngoài 55 đề xuất trên, hiện còn 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi của các nhà đầu tư trong nước được gửi tới UBND các địa phương có biển.
Cần phải nhắc lại rằng, 4 năm qua, bất chấp cảnh báo của các nhà chuyên môn, Việt Nam đã chứng kiến hiện tượng quá tải của làn sóng đầu tư vào năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió trên bờ).
Hệ quả là, sau cuộc đổ bộ lần thứ nhất, các dự án năng lượng tái tạo đó không đồng bộ với sự phát triển của hệ thống lưới truyền tải điện, gây khó trong vận hành, điều độ hệ thống điện, gây mất cân bằng cung – cầu theo miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải liên miền (từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc).
Sự lộn xộn trong phát triển năng lượng tái tạo xuất hiện sau khi bổ sung thêm công suất điện mặt trời và điện gió mới với mức tăng cao hơn vài chục lần trước đó vào Quy hoạch điện đã dẫn tới tình trạng thừa thiếu điện cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia. Thực trạng trên khiến Quốc hội phải quyết định tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021.
Khi cơn sốt điện mặt trời, điện gió trên đất liền và gần bờ chưa kịp lắng xuống, thì điện gió ngoài khơi lại lên cơn sốt mới.
Phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với định hướng phát triển bền vững kinh tế biển và chiến lược phát triển năng lượng xanh của Việt Nam, song vào thời điểm này, “cuộc đổ bộ” khảo sát điện gió ngoài khơi đã khiến cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này trở nên bị động về chiến lược và kế hoạch.
Minh chứng cho sự bị động này chính là, trong phân tích của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra tới 10 điểm được cho là “chưa có quy định” hoặc “còn nhiều cách hiểu khác nhau” ở cả mặt pháp lý lẫn góc độ kỹ thuật xung quanh việc khảo sát điện gió ngoài khơi. Bởi “chưa có quy định”, “chưa đồng nhất quan điểm”, nên trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị tạm dừng triển khai.
Đây cũng là lựa chọn dễ nhất lúc này, vì nếu thực hiện những điều mà “pháp luật chưa quy định rõ”, thì rất khó tránh khỏi những rủi ro pháp lý có thể xảy ra về sau.
Trước đó, nghiên cứu của nhóm tư vấn được tài trợ bởi Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đã chỉ ra 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Trong đó, rủi ro về hoạt động cấp phép và phê duyệt đứng đầu tiên.
Trong nghiên cứu này, Chính phủ được cho là “đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam”, có thể hóa giải những quan ngại của nhà đầu tư cũng như các bên cho vay trong nước và quốc tế trong quá trình phát triển điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, khi chưa có bất cứ kinh nghiệm nào ở lĩnh vực này, thì bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý, Chính phủ có thể lựa chọn các doanh nghiệp nhà nước lớn có liên quan như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (có lợi thế các công trình trên biển), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (liên quan tới đàm phán bán điện, vận hành hệ thống điện), cùng nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm làm điện gió ngoài khơi (nhưng phải thoả mãn yêu cầu giới hạn tỷ lệ góp vốn theo Luật Đầu tư) và tư nhân trong nước để phát triển dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề và cơ sở để Việt Nam cho triển khai các dự án tiếp theo.
Song đáp án cho câu hỏi “làm thế nào” và bao giờ có “khung pháp lý rõ ràng” cho các dự án điện gió ngoài khơi lại chưa xác định được mốc thời gian. Trong khi đó, muốn các dự án điện gió ngoài khơi hoạt động vào năm 2030, thì vào thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị phải được triển khai quyết liệt, khoa học.
Chỉ khi có khung pháp lý rõ ràng, công tác chuẩn bị thật chỉn chu thì mới kỳ vọng biến tiềm năng điện gió ngoài khơi thành năng lượng xanh, góp phần thực hiện mục tiêu Net zero (phát thải bằng 0) của Việt Nam vào năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).