Nhà thầu ký kết hợp đồng về dầu khí theo quy định tại Luật Dầu khí hay Luật Đấu thầu
Trước khi bắt đầu thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). |
Cụ thể, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 06 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 04 điều).
Về một số nội dung các đại biểu có ý kiến, như các vấn đề liên quan đến lựa chọn nhà thầu, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã phân tích chi tiết.
Ví dụ, về kiến nghị quy định rõ việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng về dầu khí theo quy định tại Luật Dầu khí hay Luật Đấu thầu; đề nghị bổ sung quy định “việc lựa chọn nhà thầu dầu khí phải áp dụng thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí và không áp dụng Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư để lựa chọn nhà thầu dầu khí”.
Có ý kiến cho rằng, quy định về quy trình, thủ tục đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí là không cần thiết do không có sự khác biệt với Luật Đấu thầu; đề nghị rà soát, dẫn chiếu đến Luật Đấu thầu và chỉ quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí để bảo đảm thống nhất giữa các luật
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại Việt Nam có những đặc thù riêng; hiện nay, được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí và Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí (Nghị định số 95/2015/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được xin ý kiến cũng đã loại trừ không áp dụng đối với lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí.
“Để bảo đảm rõ ràng, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 về việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí. Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí phục vụ cho hoạt động dầu khí được quy định trong từng hợp đồng dầu khí trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án, công khai và minh bạch”, ông Vũ Hồng Thanh làm rõ.
Về điều kiện tham gia đấu thầu, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, định lượng, chi tiết về điều kiện tham gia đấu thầu, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, bảo đảm chặt chẽ, khả thi; đề nghị điều chỉnh quy định như sau: “Đối với tổ chức: có đăng ký thành lập, hoạt động được cấp theo quy định pháp luật của quốc gia bên dự thầu; đối với cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật Việt Nam”;
Có ý kiến đề nghị thiết kế theo hướng là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác thành lập và hoạt động theo quy định.
Cũng có ý kiến cho rằng quy định tại Điều 16 dự thảo Luật đã được Luật Đấu thầu quy định.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh sửa khoản 2 Điều 16 theo hướng quy định một trong những điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí là có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí, trường hợp tổ chức, cá nhân không đáp ứng điều kiện này thì phải liên danh với các tổ chức, cá nhân khác để có đủ điều kiện để tham gia đấu thầu.
Về đề nghị quy định rõ hơn về điều kiện “nhà thầu đủ năng lực, tài chính”, Báo cáo giải trình của. Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ, việc đánh giá năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm sẽ được thực hiện trong quá trình đánh giá lựa chọn nhà thầu theo yêu cầu đặt ra đối với từng dự án cụ thể.
Tại Điều 22 dự thảo Luật đã đưa ra các tiêu chí để lựa chọn nhà thầu, trong đó có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, trong đó sẽ bao gồm năng lực về tài chính.
Làm rõ quy định về chào thầu cạnh tranh để tránh “bắt tay” giữa PVN và doanh nghiệp khác
Đặc biệt, lo ngại về khả năng có sự “bắt tay” giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một doanh nghiệp khác để tham gia, khó phân biệt vai trò giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu khác do quy định về chào thầu cạnh tranh chưa đủ chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu. Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng.
Một là, thay thế quy định về lập kế hoạch đầu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế bằng quy định tại Điều 17 về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu chung cho một hoặc một số lô dầu khí thuộc danh mục lô dầu khí được phê duyệt trên cơ sở nghiên cứu chủ động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tập hợp đề xuất của các nhà đầu tư quan tâm để triển khai thực hiện việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí;
Hai là, sửa đổi điều kiện “không nằm trong kế hoạch đấu thầu” thành “không nằm trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu hiện có” để áp dụng hình thức chào thầu cạnh tranh;
Ba là, rà soát, chỉnh sửa quy định tại khoản 1 Điều 20 về hình thức chào thầu cạnh tranh được áp dụng trong trường hợp lô dầu khí được ít nhất 02 tổ chức, cá nhân đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng thu hút đầu tư thực hiện hoạt động dầu khí.
Liên quan đến nội dung chỉ định thầu, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa theo hướng bảo đảm chặt chẽ, quy định rõ 3 trường hợp thực hiện chỉ định thầu.
Bao gồm: (i) Liên quan đến quốc phòng, an ninh; (ii) Chỉ có một tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện đề xuất ký hợp đồng dầu khí và đã được thông tin rộng rãi trong vòng 30 ngày nhưng không có nhà thầu quan tâm; (iii) Nhà thầu đang thực hiện hợp đồng dầu khí đề xuất đầu tư bổ sung trong cùng diện tích hợp đồng với điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho hợp đồng dầu khí mới sau khi hợp đồng dầu khí đang thực hiện hết thời hạn.
Nội dung cụ thể thực hiện theo quy định tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.
Ngôn ngữ của hợp đồng dầu khí là tiếng Việt và tiếng Anh hoặc một thứ tiếng nước ngoài thông dụng khác
Đây cũng là nội dung được nhiều ý kiến tham gia khá nhiều trong quá trình lấy ý kiến.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng đã đề cập nội dung này. Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đề nghị quy định theo hướng hợp đồng dầu khí bao gồm 01 bản tiếng Việt và 01 bản tiếng nước ngoài thông dụng do các bên thỏa thuận mà không phụ thuộc vào quốc tịch của nhà thầu/nhà đầu tư tại thời điểm ký hợp đồng để bảo đảm rút gọn về thủ tục hành chính cho cấp phê duyệt hợp đồng;
Trường hợp hợp đồng dầu khí giữa hai công ty Việt Nam ký kết với nhau là ngôn ngữ tiếng Việt nhưng đến khi công ty nước ngoài muốn tham gia thì không có hợp đồng bản Tiếng Anh được các bên ký thì rất khó khăn.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đặc điểm của hoạt động dầu khí là chi phí rất lớn, rủi ro cao, việc tham gia hoạt động dầu khí đòi hỏi phải có trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, kỹ thuật cao, cần chú trọng, thu hút được nguồn lực tài chính và kỹ thuật của quốc tế đầu tư vào ngành dầu khí của Việt Nam”, ông Vũ Hồng Thanh giải trình trước Quốc hội trong phiên làm việc chiều 25/10 về việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Cụ thể, để thu hút đầu tư nước ngoài trong hoạt động dầu khí, tạo điều kiện cho các đối tác tiềm năng có thể tiếp cận với hoạt động dầu khí nhanh nhất, thuận lợi nhất, đặc biệt là đối với việc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia tại các hợp đồng dầu khí mà các nhà thầu Việt Nam đã ký kết, quy định tại Điều 34 theo hướng ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng là tiếng Việt và tiếng Anh hoặc một thứ tiếng nước ngoài thông dụng khác do các bên thỏa thuận, các bản tiếng Việt và tiếng Anh hoặc bản tiếng nước ngoài có giá trị pháp lý ngang nhau.