Logo Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2021

  1. Tin tức / Hoạt động
  2. Đề xuất hướng xử lý cụ thể…

Đề xuất hướng xử lý cụ thể đối với 8 dự án BOT giao thông gặp khó khăn

Monday, 10/10/2022, 09:13
Trạm thu phí BOT cầu Thái Hà.
Trạm thu phí BOT cầu Thái Hà.

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có Tờ trình gửi Thường trực Chính phủ về các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự ánđầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ GTVT quản lý.

Trong tờ trình mới nhất này, Bộ GTVT đề nghị Thường trực Chính phủ, Chính phủ thông qua giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập đối với 8 dự án BOT giao thông và trình Quốc hội chấp thuận chủ trương cho phép Chính phủ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước khoảng 13.115 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án của 7 dự án khoảng 10.835 tỷ đồng; bổ sung vốn nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng tham gia dự án PPP để thay thế quyền thu phí tại trạm dự kiến đặt trên tuyến La Sơn – Túy Loan.

Bộ GTVT cho biết, giá trị thanh toán được xác định trên cơ sở các quy định của hợp đồng, quy định của pháp luật. Chi phí thanh toán được tổng hợp thành hồ sơ, được đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán trước khi gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chi phí.

Sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định; xác định chi phí hợp lý để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án tuân thủ các quy định của pháp luật.

Được biết, trong tổng số 72 dự án PPP do Bộ GTVT quản lý, đến nay đã xử lý cơ bản những vướng mắc, bất cập, tình hình thu phí và khai thác các dự án tương đối ổn định nhưng vẫn còn 8 dự án chưa được giải quyết triệt để. Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp như: tổ chức phân làn giao thông, di dời trạm thu phí về đúng vị trí, tăng/giảm phí để tăng doanh thu, kéo dài thời gian thu phí… nhưng đều không khả thi.

Các dự án này có tính chất đặc thù như: dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí, không thể thu phí, do mất an ninh, trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ; dự án đã thu phí nhưng doanh thu thực tế nhỏ hơn 30% so với hợp đồng, nếu tiếp tục thu phí và áp dụng các biện pháp như tăng phí, kéo dài thời gian thu phí,… phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng.

Sau khi rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, căn cứ các quy định của pháp luật (quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015), Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án và một số địa phương, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập như sau:

Dự án xây dựng hầm Đèo Cả (xử lý bất cập trạm thu phí La Sơn – Túy Loan): Qua rà soát, Bộ GTVT đánh giá cho thấy, việc đặt trạm thu phí trên tuyến La Sơn – Túy Loan song hành để hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả là không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội.

Tại thời điểm đề xuất dự án, phương án thu phí trên tuyến La Sơn – Tuý Loan là phù hợp với quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính nhưng chưa phù hợp với Nghị quyết 437. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư không xây dựng trạm thu phí trên tuyến La Sơn – Túy Loan.

Từ năm 2018 Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp xử lý. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiến nghị giải pháp theo hướng không sử dụng trạm La Sơn – Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án; bổ sung vốn ngân sách nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng để hỗ trợ nhằm bảo đảm phương án tài chính; xây dựng Đề án thu phí cao tốc La Sơn – Túy Loan để nộp ngân sách nhà nước. Căn cứ quy định tại Điều 420 Bộ Luật dân sự năm 2015, việc không được thu phí tại trạm La Sơn – Túy Loan là do “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.

Do trong Hợp đồng dự án có dẫn chiếu căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự. Vì vậy, Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của Bộ Tài chính và đề xuất của nhà đầu tư, ngân hàng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giải pháp như đề xuất nêu trên.

Dự án xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa: Qua rà soát, đánh giá cho thấy, trạm thu phí Bỉm Sơn (đặt trên Quốc lộ 1 tại Km286+397) hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây nằm ngoài phạm vi đầu tư tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây, cách khoảng 38 km là chưa phù hợp với Nghị quyết 437.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn. Tuy nhiên, phương án này không khả thi9. Sau khi nghiên cứu kỹ các phương án, Bộ GTVT và UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất với đề xuất của Nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp tín dụng (BIDV), kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí khoảng 920 tỷ đồng vốn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư và xóa bỏ trạm Bỉm Sơn. Việc đánh giá, nhận diện bất cập về trạm thu phí xảy ra sau thời điểm phê duyệt dự án và ký kết hợp đồng.

Căn cứ quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc không được thu phí tại trạm Bỉm Sơn là do “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Trong nội dung hợp đồng có dẫn chiếu căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự. Vì vậy, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giải pháp như đề xuất nêu trên.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 – Km100: Qua rà soát, đánh giá cho thấy, trạm Quốc lộ 3 đặt ngay cửa ngõ TP. Thái Nguyên và gần nút giao kết nối với Quốc lộ 37 nên phần lớn lưu lượng xe qua trạm thu phí chỉ sử dụng quãng đường rất ngắn nhưng vẫn phải trả phí theo lượt, dẫn đến phản ứng của người dân, gây mất an ninh trật tự nên không được thu phí tại trạm này, dẫn đến doanh thu chỉ đạt khoảng 9,9% so với hợp đồng, phá vỡ phương án tài chính.

Từ năm 2018, Bộ GTVT đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, đánh giá các phương án để xử lý; tuy nhiên các phương án đều không khả thi hoặc không giải quyết được bất cập. Sau khi nghiên cứu kỹ các phương án, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí khoảng 3.250 tỷ đồng vốn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư và xóa bỏ trạm Quốc lộ 3.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 – Km50+889: Giai đoạn ban đầu doanh thu phí tại trạm T1, T2 đạt 88%; kể từ tháng 5/2019, khi cầu Vàm Cống đưa vào khai thác, đã phát sinh tình trạng người dân tụ tập phản đối nên phải dừng thu phí tại trạm T2 để bảo đảm an ninh trật tự, dẫn đến sụt giảm doanh thu (còn 41%).

Bên cạnh đó, trong quá trình kinh doanh khai thác Dự án BOT, một số tuyến đường trong khu vực đã và đang được triển khai đầu tư bằng nguồn ngân sách, dẫn đến phân chia lưu lượng, doanh thu tiếp tục sụt giảm (đạt khoảng 25%), gây phá vỡ phương án tài chính của Dự án.

Từ năm 2017 Bộ GTVT đã phối hợp với TP. Cần Thơ nghiên cứu, đánh giá các phương án xử lý bất cập trạm T2, tuy nhiên các phương án đều không khả thi; bên cạnh đó, việc đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường của UBND thành phố Cần Thơ tiếp tục gây sụt giảm doanh thu, phá vỡ phương án tài chính.

Sau khi nghiên cứu kỹ các phương án, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư, ý kiến của thành phố Cần Thơ, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí khoảng 1.879 tỷ đồng vốn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư và xóa bỏ trạm T1 và T2.

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn Km1738+148 – Km1763+610: Sau khi đưa vào khai thác, do trạm thu phí tại Km1747 nằm giữa điểm đầu và điểm cuối của tuyến tránh thị xã Buôn Hồ nên hầu hết phương tiện lựa chọn tuyến tránh để lưu thông, dẫn đến sụt giảm doanh thu của Dự án. Với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT chưa đánh giá được hết tác động đến dự án BOT khi đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ. Nội dung này đã được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm, Bộ GTVT đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Bộ GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư và các cơ quan nghiên cứu nhiều phương án, trong đó có phương án di dời trạm thu phí về đặt trước điểm đầu của tuyến tránh để giải quyết sụt giảm doanh thu; tuy nhiên các phương án đều không khả thi. Để giải quyết dứt điểm vướng mắc của Dự án, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí khoảng 703 tỷ đồng vốn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình: Do việc điều chỉnh tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình từ năm 2015 đến năm 2019 và chậm triển khai, hoàn thành thông tuyến vành đai 5 – Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch trước năm 2020 dẫn đến doanh thu thực tế sụt giảm lớn so với dự báo trong hợp đồng. Các nguyên nhân này có một phần trách nhiệm của các cơ quan nhà nước (Bộ GTVT, các địa phương và cơ quan liên quan) khi chưa bố trí được nguồn lực để đầu tư các dự án theo kế hoạch, quy hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, sau khi tuyến nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đưa vào khai thác tháng 8/2019 gây phân chia lưu lượng. Mặc dù đã được dự báo và tính toán trong dự án nhưng mức độ chênh lệch lớn (xe dưới 12 chỗ qua trạm tăng khoảng 40%, tuy nhiên các loại xe vận tải, xe contener qua trạm chỉ đạt khoảng 15% so với số liệu dự báo). Đây là nguyên nhân do thiếu kinh nghiệm dự báo của đơn vị tư vấn và cơ quan chủ quản trong công tác dự báo nhu cầu vận tải khi lập, phê duyệt dự án đầu tư.

Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu nhiều phương án nhằm tăng doanh thu của Dự án, tuy nhiên các phương án đều không khả thi. Để giải quyết dứt điểm vướng mắc của Dự án, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí khoảng 2.049 tỷ đồng vốn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc: Việc UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 1733/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã ảnh hưởng tới phương án tài chính dự án. Cụ thể, Quyết định đã điều chỉnh quy hoạch cảng thủy nội địa trên tuyến dự án, loại bỏ cảng Bến Súc để thay bằng cảng khác nên không còn phù hợp với quy hoạch được duyệt; không phù hợp với Báo cáo nghiên cứu khả thi được Bộ GTVT phê duyệt.

Bên cạnh đó, việc chậm đầu tư các cảng An Sơn và Rạch Bắp dẫn đến việc không thể thu phí tại các cảng này, gây phá vỡ phương án tài chính Dự án. Khoản vốn vay từ ngân sách của UBND tỉnh Bình Dương đã giải ngân 248/300 tỷ đồng nay được yêu cầu hoàn trả theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Tồn tại này xuất phát từ mong muốn sớm đầu tư dự án, mang lại lợi ích thiết thực nên địa phương cho dự án vay không tính lãi.

Trên cơ sở kết quả đánh giá, rà soát điều kiện cụ thể của Dự án, Bộ GTVT nhận thấy những khó khăn vướng mắc hiện nay không thể tháo gỡ. Vì vậy, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của Nhà đầu tư, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách (khoảng 612 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án và hoàn trả vốn vay của UBND tỉnh Bình Dương. Đối với hạng mục cải tạo luồng sông Sài Gòn, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất cân đối nguồn vốn phù hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì – Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C: Trong quá trình khai thác dự án BOT, tỉnh Phú Thọ triển khai đầu tư các tuyến đường mới bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh (các tuyến Đường tỉnh 316B, 317) tại các huyện Tam Nông, Thanh Sơn và Thanh Thủy, các phương tiện đã sử tuyến đường này tránh trạm thu phí của dự án, gây sụt giảm doanh thu; số lượng xe vận tải và xe contener giảm mạnh, trung bình chỉ còn khoảng 30% so với dự báo trong phương án tài chính. Chính sách miễn phí cho các phương tiện từ 9 chỗ trở xuống khi lưu thông qua cầu Việt Trì cũ làm phân chia lưu lượng, số lượng giảm khoảng 40% so với dự báo.

Nguyên nhân này có một phần từ việc Bộ GTVT và tỉnh Phú Thọ quyết định đầu tư cầu Hạc Trì không lường trước được phản ứng của người dân, đã phải điều chỉnh chính sách miễn phí nêu trên. Nút giao IC7 kết nối thành phố Việt Trì với cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào khai thác, tuy khoảng cách về TP. Hà Nội lớn hơn nhưng thuận tiện hơn rất nhiều so với việc sử dụng cầu Ba Vì – Việt Trì, theo QL 32 để về Hà Nội cũng làm phân chia một phần lưu lượng. Đây là nguyên nhân do thiếu kinh nghiệm dự báo của tư vấn, nhà đầu tư và cơ quan chủ quản khi lập, phê duyệt dự án.

Sau khi nghiên cứu kỹ các giải pháp khắc phục, kết quả đều không khả thi. Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của Nhà đầu tư, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn NSNN khoảng 1.422 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư và xóa bỏ trạm thu phí của dự án.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

CLB SAO VÀNG ĐẤT VIỆT PHỐI HỢP VỚI HỘI DOANH NHÂN TRẺ THÁI BÌNH TỔ CHỨC THÀNH CÔNG CHƯƠNG TRÌNH CÀ PHÊ DOANH NHÂN SỐ ĐẶC BIỆT, CHỦ ĐỀ: “XU HƯỚNG ĐẦU TƯ – KẾT NỐI NGUỒN LỰC”

Tại Chương trình, các đại biểu đã nghe hai diễn giả: Anh Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Câu lạc bộ Sao Vàng đất Việt, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) và Anh Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Sao Vàng đất Việt, Phó Chủ tịch Tập đoàn Cen Group bàn luận, phân tích tình hình kinh tế tài chính doanh nghiệp, những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong sản xuất, lưu thông hàng hóa và tắc nghẽn dòng vốn; một số giải pháp, kinh nghiệm ứng phó với cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế do tác động của dịch Covid-19 và xung đột quân sự trên thế giới.