Ngày 27/10, Ban Quản lý Các khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (Hepza) tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) Thành phố.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao cờ thi đua của Thành phố cho Ban quản lý Hepza |
Báo cáo tại hội nghị, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza cho biết, sau 30 năm phát triển, đến nay TP.HCM có 3 KCX và 14 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các KCX, KCN đạt 77%.
Lũy kế đến tháng 9/2022, các KCX, KCN đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%; bình quân hàng năm các KCX, KCN thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của các KCX, KCN đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố; trung bình hàng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách TP.HCM (không kể dầu thô).
Dù đạt được nhiều kết quả nhưng sau 30 năm phát triển, các KCX, KCN đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế như hiệu quả thu hút đầu tư, sử dụng đất chưa cao; hạ tầng một số KCN thiếu đồng bộ; một số KCN đã được thành lập hoặc có quyết định đầu tư mở rộng chậm được triển khai…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, TP.HCM là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc phát triển KCN gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng KCX, KCN hiện đại, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ theo đúng định hướng thu hút FDI của Chính phủ trong từng thời kỳ.
Nhiều cơ chế chính sách và công tác quản lý nhà nước về KCN được Chính phủ sửa đổi, ban hành có xuất phát điểm từ thực tiễn phát triển các KCN của TP.HCM.
Tuy nhiên, theo ông Đông, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc phát triển KCX, KCN của TP.HCM cũng bộc lộ một số hạn chế như: chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCX, KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu và hiệu quả sử dụng đất; mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới, các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực…
Với vai trò đầu tàu cả nước về kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian tới TP.HCM cần có phương án di dời các KCN gần các đô thị lớn, các KCN có ngành nghề sản xuất ảnh hưởng lớn đến môi trường. Thành phố cần tính toán các phương án quy hoạch, phát triển các KCN, KCX tại các khu vực xa đô thị trung tâm như huyện Bình Chánh, Củ Chi, …,
Bên cạnh đó, TP.HCM cần phát huy vai trò tiên phong trong phát triển các KCN theo hướng bền vững, các loại hình KCN mới. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế ”một cửa tại chỗ” để kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị |
Đánh giá về việc phát triển các KCX, KCN của Thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói rằng: “Trước đây, chúng ta nhìn ra cả nước, thấy rằng Thành phố phát triển công nghiệp như vậy là tiên phong, đột phá nhưng bây giờ nhìn ra các thành phố xung quanh và các thành phố lớn trên thế giới để thấy rằng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP.HCM đang ở mức nào. Từ đó để định vị lại công nghiệp TP.HCM”.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, ngày nay Thành phố đã có những thuận lợi trong hội nhập, vị thế, vai trò, tiềm lực và uy tín ngày càng cao thì phải nghĩ xa hơn.
Định hướng việc phát triển các KCX, KCN thời gian tới, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu, thời gian tới TP.HCM cần tái cấu trúc các KCX, KCN theo hướng công nghiệp sinh thái, tuần hoàn, cần loại bỏ và đưa ra khỏi quy hoạch các KCN không khả thi.
Thời gian tới, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng xã hội trong các KCX, KCN như nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, các trường mầm non, dịch vụ thiết yếu… để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Đối với Hepza, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đổi mới mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong giai đoạn mới.